Chào các bạn ! Mình là một người rất thích viết blog và nó là niềm đam mê của mình

Sunday, January 1, 2017

Chuyện vượt vũ môn

   Ngọc Hoàng bận trăm công ngàn việc nên sai Táo Quân theo dõi mọi việc dưới trần gian rồi hàng năm báo cáo tổng kết dâng lên ngài. Táo Quân nhờ đi sâu, đi sát, lại nắm cả chuyện bếp núc của từng nhà nên mọi báo cáo đều rất chính xác, không có các số ma, không khai gian số lượng nên được Ngọc Hoàng rất tin dùng. Do công việc nặng nề, phải đi lại nhiều  nên táo quân được chiếu cố sử dụng cá Chép để cưỡi. Nhờ được hầu hạ Táo Quân hàng năm, Chép có dịp giáp mặt Ngọc Hoàng. Thấy công việc của Táo Quân trôi chảy do có phần góp sức của Chép, nên Ngọc Hoàng quí mến và muốn ban thưởng cho Chép một chức danh xứng đáng.
Nhân một năm, Chép chở Táo Quân lên chầu trời, Ngọc Hoàng ân cần gọi Chép vào mà phán:
   - Nhà ngươi rất trung thành, lại làm ăn siêng năng, cần cù, nay Ta muốn ban phong cho ngươi một danh vị xứng đáng và Ta muốn ngươi ở lại giúp ta trên Thiên Đình. thế nhưng muốn coi giữ công việc trên Thiên Đình thì dứt khoát phải thi cử, phải có hàm có vị hẳn hoi. Ngươi nghĩ sao?
   Chép vừa mừng lại vừa lo. Gay quá! Cả đời Chép chỉ cúc cung tận tụy nào có học hành gì. Bổng lộc đến tay nhưng lại phải thi cử có bằng, có cấp, biết làm sao bây giờ? Chép gãi đầu, gãi tai ấp a ấp úng. Thấy vậy, Ngọc Hoàng cười mà rằng:
   - Thôi được, Ta hiểu nhà ngươi định nói gì rồi. Nay Ta cho ngươi nghĩ ra một cách thi nào đó, rồi Ta sẽ tổ chức thi tuyển. Ví dụ như thi chạy, thi bay, thi nhaỷ ... tùy cho ngươi chọn, miễn sao trong số những kẻ vào thi, duy có ngươi đạt điểm cao nhất là được.
   Chép nghĩ: Thi chạy ư? Mình làm sao mà chạy được? Thi bơi ư? Gay quá, bọn mập, bọn kình nó bơi giỏi hơn mình. Hay là thi bay? Ừ mình cũng đã bay lên tận Thiên Đình rồi nhưng về tốc độ thì làm sao sánh được với Chuồn Chuồn? Thôi xin thi nhảy vậy! Cả họ hàng thủy tộc có mình ta là nhảy khá hơn cả. Nghĩ rồi Chép trình lên Ngọc Hoàng nguyện vọng của mình và cũng không quên xin Ngọc Hoàng cho nhảy ở độ cao vừa vừa cho chắc ăn.
   Cuối cùng cuộc thi diễn ra sôi nổi, hào hứng nhưng cũng rất nghiêm túc.
  Thí sinh Trê suốt đời luồn lọt dưới bùn hôi đáy ao cùng lũ Lươn, lũ Trạch thế mà cũng muốn danh này, chức nọ lao vào thi nhảy. Vừa văng mình lên khỏi mặt nước đã rơi bộp ngay xuống tảng đá bên cạnh Vũ môn, đầu đập chát vào vách đá, bẹp dí, ngất xỉu. Họ nhà Tôm cũng vậy, râu ria xồm xoàm, chân cẳng ghêu ngao mà cũng đòi nhảy, rốt cuộc dập cả sống lưng, cứt lộn lên đầu, thành ra suốt đời đi ngược.
   Anh chuồn đang lao vun vút ngoài xa, tuy chẳng hám công danh địa vị, nhưng thấy mọi người thi tài cũng vào thử sức. Họ nhà Chuồn chỉ biết bay xa, bay nhanh chứ không quen nhảy, nên vừa vượt lên  không, biết mình không qua nổi Vũ Môn, Chuồn liền lướt mấy chặng là là mặt nước, làm một vài động tác ngoạn mục khiến cả cử tọa lẫn Hội đồng thi phục lăn, rồi bay thẳng một mạch ra tận đại dương bao la sống đời tự do, phóng khoáng, nay đây mai đó, danh vị chẳng màng.
   Cuối cùng với một vẻ tự tin hiếm thấy, Chép lấy đà nhảy phóc một cái ngon lành vượt qua khỏi Vũ Môn trong tiếng hò reo vang động cả trường thi. Ngọc Hoàng phong cho Chép thành Rồng và cho thay hình đổi dạng để hợp với hàng ngũ quan chức trên Thiên Đình.
Sau một vài năm phục vụ trên Thiên Đình, bổng lộc đủ đầy, Chép bỗng thấy nhớ cảnh sống nhàn tản, phóng túng dưới trần. Trên Thiên Đình tuy chức vụ có to, bổng có lớn nhưng trách nhiệm thì nặng nề quá. Động hễ hạn hán nơi nào thì lũ cóc nhái  lại mò lên  tận Thiên Đình đánh trống, khua chiêng thưa kiện. thế là một mình một thân Chép lại phải lặn lội hút hút, phun phun đến là vất vả. Vừa buồn, vừa mệt, Chép chợt nghĩ ra một kế: sao ta không tìm cách xin Ngọc Hoàng tuyển thên nhân viên lên đây nhỉ? vừa đỡ buồn, vừa bớt việc.
Nghĩ vậy, Chép liền tâu với Ngọc Hoàng:
   - Muôn tâu Ngọc Hoàng, nhờ ân đức của Ngọc Hoàng nên thần đã được phong làm Rồng và ngày đêm được ở bên ngài, lo toan mọi việc mưa nắng dưới trần gian. Tuy vậy, dưới trần thế muôn loài đều sinh sôi nảy nở, việc cấy cày càng mở mang nên công việc lo điều hòa nước ngày càng thêm bận rộn. Thần e rằng một mình Rồng này lo không xuể. vậy xin Ngọc Hoàng cho mở thêm mấy kì thi để tuyển thêm một số Rồng cùng thần chăm lo đại sự.
   Nghe có lí, Ngọc Hoàng bèn hỏi: "Vậy Ta sẽ mở thêm kì thi vượt Vũ Môn nữa nhưng e rằng chẳng ai vượt nổi ngoài ngươi?"
   Sau một hồi suy tính, Ngọc Hoàng bèn ban ra kế sách: "Tuyển thêm một số Rồng bằng kì thi vượt Vũ môn nhưng độ cao thì có thể nâng lên hạ xuống sao cho phù hợp".  Ngọc Hoàng cử ngay Rồng Chép đứng ra tổ chức và tuyển lựa Hội đồng chấm thi thay ngài. Rốt cuộc, cả họ nhà Chép, Trắm , Trôi, mè và cả Rô, Trê, Lươn, Trạch ... đều lần lượt tham dự các kì thi và đều hóa Rồng cả.
   Lũ rồng lên trên Thiên Cung được tuyển đông thêm làm Ngọc Hoàng rất vui mừng. Nhưng đó cũng chính là nguyên nhân khiến Ngài lắm lúc mất ăn, mất ngủ. Ở lâu với nhau, chúng sinh ra chành chọe nhau khiến Ngọc Hoàng lại phải họp hành phân xử rất mệt. Lại còn chuyện nữa, xưa kia chỉ có một mình  Rồng (Chép) chăm lo việc mùa màng dưới trần, công việc có nặng nhọc, vất vả nhưng mọi việc đều điều hòa êm ả. Từ ngày có cả lũ rồng được tuyển chọn lên Thiên Đình, Rồng nọ tị Rồng kia, chẳng ai bảo được ai nên việc nước nôi dưới hạ giới loạn cả nên. Nơi thì khô hạn nứt nẻ hàng chục năm liền, nơi thì lũ lụt úng ngập triền miên ... Để đối phó với việc này, Ngọc Hoàng lại một lần nữa ban lệnh: Hễ bất cứ Rồng nào tị nạnh nhau, lơ là trong việc làm mưa thì cũng bị tước chức trả về hạ giới với tên cũ.
   Ngay sau khi luật lệ của Ngọc Hoàng được ban ra ít hôm, lần lượt cả lũ rồng kể cả anh chàng Rồng Chép được tuyển phong từ lần đầu cũng phải đày về hạ giới vì không mắc tội chây lười thì cũng mắc tội đố kị, nói xấu lẫn nhau. Rốt cuộc, trên Thiên Đình chảng còn lại một mống nào.
   Sau này, Ngọc Hoàng có mở thêm mấy lần thi nữa để mong tìm được một vài Rồng phục vụ. Nhưng chán quá chẳng có thí sinh nào dự cả. Ngài đành buồn rầu bó tay nhìn cảnh lũ lụt, hạn hán xảy ra triền miên dưới hạ giới.
   Cũng vì thế mà cho đến tận ngày nay, người đời vãn cứ tranh cãi mãi về Rồng là gì? Hình thực của Rồng ra sao? Lâu lắm rồi có ai trông thấy Rồng đâu mà biết.
                                                                                                       (Sưu tầm)




No comments:

Post a Comment

Liên hệ với tôi

Name

Email *

Message *